Mưa gió kéo dài khiến việc phơi khô giày đã giặt tốn nhiều thời gian, thậm chí còn bị mốc, tuy nhiên đem tới tiệm giặt chuyên dụng thì hơi tốn kém. Dưới đây là các hướng dẫn để bạn có thể sấy khô giày bằng máy sấy quần áo tại nhà một cách chuyên nghiệp.
1. Loại giày nào có thể sấy bằng máy sấy quần áo
Sấy giày bằng máy sấy quần áo là một phương pháp tiện lợi, tiết kiệm và thực sự có hiệu quả giúp giày được khô nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải loại giày nào cũng có thể sấy bằng máy sấy quần áo. Vì nguyên tắc làm khô của máy sấy là sử dụng nhiệt độ cao nên có thể làm giảm độ bền sản phẩm, thậm chí là bị hư hỏng, trầy da với một số loại chất liệu giày.
Các loại giày có thể sấy khô bằng máy sấy quần áo phải đảm bảo 2 yếu tố sau:
- Thân giày làm bằng vải canvas, sợi polyester tổng hợp
- Đế giày làm bằng cao su tổng hợp, chất nhẹ
Ngược lại, những loại giày bạn không thể sấy khô bằng máy sấy quần áo mà phải để khô tự nhiên hoặc vệ sinh tại các cơ sở chuyên nghiệp gồm:
- Các loại giày làm từ chất liệu da (da tự nhiên, da lộn), giày bằng chất liệu mỏng (satin, lụa), giày sandal, giày của vận động viên thể thao chuyên nghiệp
- Giày đế làm bằng các vật liệu dễ chảy khi tiếp xúc nhiệt độ cao như gel, xốp chịu lực
- Các loại giày có nhãn chăm sóc ghi chú “Chỉ giặt khô”
- Giày có trang trí đính nhiều kim loại. trang trí đá quý, các loại kim cương giả
2. Sấy khô giày bằng máy sấy quần áo dạng tủ
Trong trường hợp nhà bạn sử dụng tủ sấy quần áo, thì các bước chuẩn để sấy khô giày bằng máy sấy quần áo dạng tủ như sau:
Bước 1: Kiểm tra chất liệu giày và nhãn ghi chú
Như đã trình bày ở phần 1, trước tiên bạn cần kiểm tra xem loại giày bạn đi có được phép giặt bằng phương pháp thông thường và sử dụng nhiệt để sấy khô được không.
Bước 2: Vệ sinh giày để loại bỏ vết bẩn
Bạn có thể đặt giày dưới vòi nước để rửa trôi các vết bùn đất. Sau đó, sử dụng khăn ướt để lau toàn bộ bề mặt giày hoặc dùng bàn chải để chà các vết bẩn cứng đầu bám trên giày vải canvas, đế giày.
Hiện trên thị trường cũng có các chế phẩm giặt giày chuyên biệt, bạn có thể tìm mua để tăng hiệu quả làm sạch nhưng vẫn bảo vệ chất liệu giày.
Bước 3: Tháo dây giày đến nấc cuối cùng
Trước khi cho giày vào máy sấy để tiến hành dùng máy sấy quần áo sấy giày, bạn cần tháo hết dây buộc giày để gió dễ luồn vào làm khô cả bên trong.
Bước 4: Cho giày vào tủ sấy giày
Xếp giày vào tầng 2 của tủ sấy giày và quay úp ngược giày xuống, phần đế hướng lên trên để luồn hơi nóng khi được thổi từ dưới lên có thể len vào bên trong giày và không làm ảnh hưởng đến phần đế
Trong trường hợp tủ sấy quần áo của nhà bạn không có thiết kế dàn tầng 2 như ảnh trên, thì bạn vẫn có thể tìm mua các loại móc treo phơi giày tại các tiệm tạp hóa, và treo trong tủ sấy quần áo.
Bước 5: Sấy giày
Cài đặt chế độ sấy cho máy sấy như sau: Chọn chế độ sấy nóng với thời gian sấy là 60 phút. Sau khoảng 60 phút thì giày của bạn đã được làm khô hoàn toàn và có thể sử dụng được luôn.
3. Cách sấy khô giày bằng máy sấy quần áo ngưng tụ, bơm nhiệt, thông hơi
Trong trường hợp nếu nhà bạn có máy sấy quần áo chuyên dụng (máy sấy thông hơi, máy sấy bơm nhiệt, máy sấy ngưng tụ), thì thời gian sấy khô sẽ rút ngắn hơn, tuy nhiên các bước thực hiện có phần hơi khác.
Bước 1: Kiểm tra chất liệu và cấu tạo giày
Tương tự như khi sấy khô giày bằng máy sấy quần áo dạng tủ, việc dùng máy sấy chuyên dụng để sấy khô giày, trước tiên cần phải kiểm tra chất liệu có thể dùng nhiệt để sấy khô hay không.
Bước 2: Giặt giày
Bạn nên làm sạch giày ngay sau khi đi mưa về để tránh vết ố bám lâu khó chùi rửa. Nếu giày của bạn không quá dơ thì có thể sử dụng khăn ướt để lau sơ qua. Nếu giày bạn bị bẩn nhiều thì nên sử dụng nước ấm và các chất tẩy rửa rất nhẹ để giặt giày và xả sạch dưới vòi nước.
Bước 3: Tháo dây giày và nhồi giấy báo hoặc khăn khô vào trong giày
Trước khi cho giày vào máy sấy bạn cần tháo bớt dây giày đến mức cuối cùng. Đồng thời khi sấy khô giày bằng máy sấy quần áo chuyên dụng thì bạn nên nhồi thêm giấy báo hoặc khăn khô vào bên trong và đẩy sát lên phần mũi giày, gót giày.
Điều này vừa giúp giữ form giày không bị nứt gãy, vừa giúp hút ẩm bên trong tốt hơn bởi bên cạnh nhiệt thì lồng sấy quay đảo liên tục có thể sẽ khiến form giầy bị thay đổi trong quá trình sấy khô.
Bước 4: Cho giày vào lồng sấy
Có hai cách đặt giày vào lồng sấy mà bạn có thể tham khảo:
- Cách 1: Mở cửa máy sấy, cho giày vào bên trong với phần mũi giày hướng lên trên. Đặt đế giày nằm sát và đối diện với cửa máy sấy. Cuối cùng hãy kéo dây giày lên trên cửa máy sấy và lòi ra ngoài để khi đóng chặt cửa thì phần dây giày không bị kéo tuột vào bên trong và giữ cố định được giày tại vị trí treo.
- Cách 2: Bạn có thể cho trực tiếp giày vào bên trong lồng sấy nhưng lưu ý phần mũi giày sẽ hướng ra ngoài và đế giày sẽ hướng xuống.
Bước 5: Cài đặt chế độ sấy
Nếu như máy sấy nhà bạn có chế độ sấy khô giày thì bạn nên chọn chế độ này. Còn không, bạn nên chọn chế độ sấy vải dày cài đặt mức thời gian khoảng 20 phút. Thông thường, với chu trình này là đủ để sấy khô các đôi giày vải một cách nhanh chóng rồi.
Trên đây là các thông tin cần biết khi sấy khô giày bằng máy sấy quần áo. Mong rằng bạn đã có thêm các thông tin hữu ích để làm khô đôi giày yêu thích, và đảm bảo form dáng, chất lượng sau quá trình sấy tại nhà.