Đánh giá laptop Dell Inspiron 3530 – Lợi ích nhỏ, đánh đổi lớn!


Dell Inspiron 3530 là một chiếc laptop văn phòng có nhiều giá trị hấp dẫn như màn hình tần số quét 120Hz, thông số cấu hình khá ổn và thiết kế đẹp rất hợp ‘khẩu vị’ của đại đa số người dùng. Tuy nhiên, liệu nó có thực sự mang lại hiệu suất tốt hay không?

1. Tổng quan thiết kế ngoại hình của Dell Inspiron 3530

Chiếc laptop Dell Inspiron 3530 này có thể không phải là mẫu mã hấp dẫn nhất trên thị trường, nhưng theo ý kiến hách quan, nó vẫn mang một vẻ đẹp thanh lịch, đủ trang nhã để sử dụng trong môi trường chuyên nghiệp, đồng thời cũng tương đối nhẹ nhàng để mang theo sử dụng hàng ngày. Giống như các thế hệ trước, mặt A của máy là bề mặt kim loại sạch sẽ, trong khi phần thân được gia công từ nhựa, một truyền thống của dòng. Mặt A được gia công rất bóng bẩy với màu bạc, không có bất kỳ họa tiết thừa nào, cảm giác chạm rất dễ chịu và màu bạc mà Dell lựa chọn thực sự rất đẹp, cùng với logo Dell sáng bóng ở giữa.

Thiết kế Dell Inspiron 3530 (Ảnh: An Phát PC).

Tất cả các cổng kết nối đều nằm ở hai bên laptop. Một bên có cổng sạc DC, cổng HDMI 1.4, một cổng USB-A siêu tốc và một cổng USB-C, nhưng cổng Type-C này chỉ hỗ trợ truyền dữ liệu nhanh chứ không hỗ trợ sạc đâu nhé. Ở phía bên kia, ta có jack tai nghe 3.5mm, một cổng USB-A khác và một đầu đọc thẻ SD full-size. Đầu đọc SD là một trang bị rất tuyệt vời đối với một số người thường xuyên truyền tải dữ liệu từ máy ảnh, máy quay vào laptop để xử lý, nó hữu dụng hơn đầu đọc thẻ microSD nhiều vì thứ này gần như vô dụng do tính tương thích kém.

Với trọng lượng khoảng 1,6kg (tùy cấu hình), chiếc laptop 15 inch này không phải nhẹ nhất, nhưng vẫn dễ dàng mang theo và phù hợp cho việc di chuyển hàng ngày.

Mặt đáy của Dell 3530 có lớp hoàn thiện bằng nhựa tiêu chuẩn, tạm ổn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần tản nhiệt của máy hơi hẹp, có thể ảnh hưởng đến hiệu suất tản nhiệt, về phần này ta sẽ nói sau. Ta cũng sẽ tìm thấy hai dải loa ở mặt đáy, tuy không quá nổi bật nhưng vẫn đủ dùng.

Khi mở laptop ra, đập vào mắt chúng ta là chiếu nghỉ tay rộng rãi. Đáng tiếc là mặt này vẫn là nhựa, và có vẻ nó được hoàn thiện mỏng hơn so với các thế hệ trước, khiến nó có cảm giác hơi rẻ tiền và độ flex khá nhiều khi nhấn vào trung tâm bàn phím. Bề mặt trackpad cũng bằng nhựa, không có gì nổi bật hơn hay kém hơn so với các thế hệ trước, nó vẫn đủ tốt cho công việc hàng ngày, nhưng nếu bạn cần thao tác nhanh nhạy và chính xác hơn, hãy sử dụng chuột ngoài.

Đánh giá laptop Dell Inspiron 3530 - Lợi ích nhỏ, đánh đổi lớn!
Số lượng cổng kết nối rất đầy đủ (Ảnh: An Phát PC).

Bàn phím của Dell Inspiron 3530 có những điểm nhấn riêng. Đầu tiên, các phím lớn với ký tự to, rõ, dễ nhìn, giúp người dùng thoải mái hơn khi gõ. Bàn phím còn được trang bị đèn nền với nhiều mức độ sáng khác nhau và có cả numpad tích hợp, hơi tiếc là không có cảm ứng vân tay. Về chất lượng gõ phím, mặc dù có hành trình khá tốt và cảm giác phản hồi không tệ, nhưng do kết cấu bề mặt khá mỏng khiến bàn phím này bị võng khá nhiều ở vị trí chính giữa, khiến trải nghiệm gõ khá ‘hẫng’ và với những người thường xuyên gõ phím, có thể bạn sẽ cảm thấy không được thoải mái lắm.

Điểm trừ tiếp theo là khe tản nhiệt, nó nằm ngay dưới màn hình cho nên dẫn đến lo ngại gió nóng thổi trực tiếp vào màn hình về lâu về dài sẽ làm hỏng màn hình. Đây là thiết kế đã được Dell áp dụng từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi, có lẽ là để tiết kiệm chi phí. Ngược lại, phần bản lề của máy đã được cải thiện khá nhiều, chắc chắn hơn và ít rung lắc hơn. Màn hình cũng có viền khá mỏng, tạo cảm giác hiện đại. Webcam FHD ở trên cũng hoạt động khá tốt trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau.

2. Chất lượng màn hình của Dell 5350

Màn hình của Dell Inspiron 15 3530 vẫn giữ nguyên độ phân giải Full HD 1080p và tỷ lệ khung hình 16:9, sử dụng tấm nền WVA với tần số quét cao bất ngờ, 120Hz. Ở phân khúc giá dưới 15 triệu đồng, thường thì ta chỉ có tần số quét 60Hz mà thôi, nhưng với Dell 3530, bạn sẽ được trải nghiệm tần số quét cao, không chỉ giúp các game thủ yêu thích game FPS như CS:GO hay Valorant có trải nghiệm tốt hơn mà ngay cả khi làm việc văn phòng, lướt web hay xem phim cũng có trải nghiệm ‘đã’ hơn rất nhiều.

Đánh giá laptop Dell Inspiron 3530 - Lợi ích nhỏ, đánh đổi lớn!
Màu sắc hiển thị thiếu sống động, có phần nhợt nhạt, nhưng tần số quét lại rất cao (Ảnh: An Phát PC).

Tuy nhiên, ngoài tần số quét cao thì các thông số khác lại tương đối bình thường. Độ sáng cực đại của màn hình này chỉ đạt 250 nits, có thể gây khó khăn khi sử dụng ở môi trường nhiều sáng như bị trí gần cửa sổ hoặc quán cà phê. Độ phủ màu cũng vậy, chỉ được khoảng 65% sRGB (tương đương 45% NTSC), nhìn chung là sẽ hiển thị ổn với nhu cầu văn phòng phổ thông nhưng chưa đủ cho các công việc sáng tạo hoặc chỉnh sửa hình ảnh cần độ chính xác màu cao.

3. Cấu hình, hiệu suất và tản nhiệt của Dell Inspiron 15 5350

Về cấu hình, chiếc laptop Dell Inspiron 15 inch này được trang bị bộ xử lý Intel Core i7 1355U, 16GB RAM DDR4, card tích hợp Intel Iris Xe. Đối với các tác vụ cơ bản như lướt web, soạn thảo văn bản hay xử lý dữ liệu Excel, cấu hình này xử lý tương đối dễ dàng, thậm chí những tác vụ yêu cầu cao hơn như lập trình, dựng hình 3D cũng nằm trong phạm vi có thể, nhưng khi chạy các tác vụ này sẽ khiến hệ thống phải hoạt động hết công suất.

Đối với công việc chỉnh sửa video, ta có thể thực hiện render video 1080p một cách mượt mà, nhưng thử nghiệm với video 4K sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Vấn đề không phải do máy thiếu sức mạnh, mà chủ yếu là do hệ thống tản nhiệt của máy quá kém dẫn đến hiện tượng throttling. Về hiệu suất gaming, khá ngạc nhiên khi các trò chơi như Fornite có thể chạy ở setting Low với khoảng 60FPS, dù có lúc bị giảm khung hình do nhiệt độ cao, nhưng trải nghiệm chơi game nhìn chung không tệ lắm.

Đánh giá laptop Dell Inspiron 3530 - Lợi ích nhỏ, đánh đổi lớn!
Cấu hình của Dell 3530 cho phép máy chạy được rất nhiều tác vụ nặng, nhưng trở ngại lớn nhất là hệ thống tản nhiệt (Ảnh: An Phát PC).

Trở lại với vấn đề lớn nhất của chiếc laptop Dell 15 inch này, nhiệt độ. Ở bên trong, Dell bố trí cho 3530 một hệ thống không thể khiếm tốn hơn, chỉ có duy nhất một quạt đơn, khe hút gió thì hẹp và lỗ thoát nhiệt thì hướng thẳng vào mà hình. Với một hệ thống ‘đơn sơ’ như vậy thì ngay cả khi nó sử dụng là con chip Raptor Lake dòng U có hiệu suất tỏa nhiệt thấp, máy vẫn đạt ngưỡng nhiệt khá cao khoảng 60 – 70 độ. Đồng thời, tiếng quạt có thể đạt khoảng 54dB, tương đương tiếng ồn của laptop gaming.

Điểm tích cực là cả RAM và ổ cứng của Dell 3530 đều có thể nâng cấp. Máy có hai khe DDR4 để nâng cấp và một khe NVMe cũng có thể mở rộng. Pin của máy thì khá nhỏ với dung lượng 41Wh nhưng vì là con chip dòng U nên có thể sử dụng được khoảng 7 tiếng với các tác vụ nhẹ và cài đặt hiệu suất thấp. Tuy nhiên, nếu thực hiện các công việc nặng hơn, thời gian sử dụng pin sẽ giảm đáng kể.

4. Tạm kết

Giá bán của Dell Inspiron 3530 cho đến hiện tại vẫn còn khá cao, dao động từ 15 đến 21 triệu đồng tùy cấu hình, nằm ở phân khúc tầm trung và thành thật mà nói, nó tuy không phải mẫu sản phẩm tốt nhất mà Dell đã làm nhưng cũng có những giá trị nhất định.

Đầu tiên, ta sẽ nhận được một thiết kế hiện đại, sạch sẽ, màn hình 120Hz siêu mượt cùng với số lượng cổng kết nối khá ổn, mặc dù vẫn còn một vài tiêu chuẩn đã lỗi thời (HDMI 1.4). Webcam FHD cũng là một điểm cộng. Nhưng bên cạnh đó, Dell đã phải hy sinh quá nhiều thứ. Ví dụ như việc sử dụng nhựa mỏng hơn, bàn phím chỉ ở mức trung bình và thiết kế tản nhiệt kém, đây là những vẫn đề đã có từ lâu trên dòng Inspiron nhưng vẫn chưa được cải thiện.

Dù vậy, không thể phủ nhận rằng Dell Inspiron 3530 vẫn là một chiếc laptop phục vụ cho công việc văn phòng khá ổn và độ bền của dòng này là không cần phải bàn cãi, chỉ cần sử dụng một cách hợp lý thì nó có thể đồng hành cùng người dùng trong nhiều năm.